Vị trí, vai trò & mục tiêu của môn Giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất (GDTC) có vai trò vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và góp phần nâng cao chất lượng xã hội. Tại Việt Nam, GDTC được coi là một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân, là thành tố quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đức – trí – thể – mỹ.

Mục tiêu

  • Giúp học sinh có cuộc sống khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, hình thành và hoàn thiện các năng lực thể chất thông qua việc trang bị kiến thức, kĩ năng về bảo vệ và quản lí sức khỏe, thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân, biết cách thích ứng với các điều kiện sống.
  • Nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, bảo đảm sức khỏe trong học tập và rèn luyện
  • Giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, từng bước góp phần phát triển toàn diện con người mới.

Đặc điểm của chương trình GDTC (2018) cấp tiểu học theo định hướng phát triển năng lực

Về quan điểm xây dựng

  • Chương trình GDTC dựa trên nền tảng lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học thể dục thể thao và khoa học sư phậm hiện đại, trong đó có các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lí học, sinh lí học, phương pháp GDTC và huấn luyện thể thao; kinh nghiệm xây dựng chương trình môn GDTC của Việt Nam và các nước có nền giáo dục tiên tiến; kết quả phân tích thực tiễn giáo dục, điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam và sự đa dạng của học sinh.
  • Bảo đảm phù hợp tâm – sinh lí lứa tuổi và quy luật phát triển thể chất của học sinh, phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục; vận dụng các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với đặc điểm của môn học, hỗ trợ việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
  • Chương trình GDTC có tính mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn, đồng thời tạo điều kiện để nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp.

Mục tiêu

Phát triển năng lực thể chất, bao gồm 03 năng lực thành phần:

  • Nâng lực chăm sóc sức khỏe
  • Năng lực vận động cơ bản
  • Năng lực hoạt động thể dục thể thao

VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Chương trình GDTC mới định hướng phương pháp giáo dục tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện chuyển giao quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH

Chương trình mới quy định môn GDTC cấp tiểu học sử dụng hình thức đánh giá thường xuyên và định kì. Cụ thể:

  • Đánh giá thường xuyên, bao gồm đánh giá chính thức và đánh giá không chính thức, nhằm thu thập thông tin về quá trình hình thành, phát triển năng lực của từng học sinh.
  • Đánh giá định kì: chú trọng đến kĩ năng thực hành, thể lực của học sinh, phối hợp với đánh giá thường xuyên để phân loại học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục.
  • Sử dụng phương pháp đánh giá định tính (đánh giá kết quả học tập bằng lời nhận xét, biểu thị, các mức xếp loại)